Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực 2015

4074

Trên website moitruongdgp.com của công ty tư vấn môi trường Đoàn Gia Phát thường xuyên cập nhật các luật môi trường mới nhất như Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực 2015.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.

3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

6. Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.

7. Sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người.

8. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

9. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

10. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suythoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

11. Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm.

12. Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

13. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

14. Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

15. Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

16. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

17. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.

18. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.

19. Hồ sơ môi trường là tập hợp các tài liệu về môi trường, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.

20. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.

21. Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

22. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

23. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

24. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.

25. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

26. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

27. Tín chỉ các-bon là sự chứng nhận hoặc giấy phép có thể giao dịch thương mại liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

28. An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.

29. Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.

Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.

3. Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

4. Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

6. Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

8. Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.

9. Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

10. Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 6. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích

1. Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

3. Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

4. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

5. Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

6. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

7. Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

8. Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

9. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

10. Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

11. Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

12. Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

Chương II

QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 8. Nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững;

b) Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường;

c) Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 của Luật này.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

3. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Điều 9. Nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;

b) Phân vùng môi trường;

c) Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng;

d) Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông;

đ) Quản lý chất thải;

e) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường;

g) Các bản đồ quy hoạch thể hiện nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này;

h) Nguồn lực thực hiện quy hoạch;

i) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 10. Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điều 11. Tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Tham vấn trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định liên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sau khi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch bảo vệ môi trường là 05 năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.

2. Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 13. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:

a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế – xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;

c) Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp;

d) Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 02 tỉnh trở lên;

đ) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường;

e) Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của đối tượng thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này.

2. Chính phủ quy định danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 14. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

2. Đánh giá môi trường: chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Trên cơ sở thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.

Điều 15. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

2. Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

3. Tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5. Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

7. Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

8. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

9. Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

10. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý.

Điều 16. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

2. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

Điều 17. Tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược báo cáo bằng văn bản kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Mục 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 18. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

c) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

3. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.

Điều 20. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:

a) Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;

c) Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án.

2. Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

3. Các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;

b) Thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 22. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.

2. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

3. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.

4. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

5. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

6. Biện pháp xử lý chất thải.

7. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

8. Kết quả tham vấn.

9. Chương trình quản lý và giám sát môi trường.

10. Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

11. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 23. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 24. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.

2. Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.

Điều 25. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;

b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản;

c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí;

d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng;

đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật này, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 27. Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành

1. Tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Mục 4. KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 29. Đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Địa điểm thực hiện.

2. Loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng.

4. Dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường.

5. Biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 31. Thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 32. Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của những dự án sau:

a) Dự án nằm trên địa bàn 02 huyện trở lên;

b) Dự án trên vùng biển có chất thải đưa vào địa bàn tỉnh xử lý;

c) Dự án có quy mô lớn và có nguy cơ tác động xấu tới môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ dự án quy định tại khoản 1 Điều này; Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này phải xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; trường hợp không xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 33. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

3. Hợp tác và cung cấp mọi thông tin có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra.

4. Lập và đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi địa điểm;

b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

5. Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chương III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Điều 35. Bảo vệ môi trường trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

1. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được điều tra, đánh giá thực trạng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng hợp lý; xác định giới hạn cho phép khai thác, mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên và môi trường.

2. Việc điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học, về bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên

1. Việc điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải tuân thủ quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải có nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường; phải phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 38. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như sau:

a) Thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

d) Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;

đ) Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường.

3. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vàỦy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở này.

Chương IV

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Điều 39. Quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phóvới biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý của mình.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 40. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

1. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 13 của Luật này.

2. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 41. Quản lý phát thải khí nhà kính

1. Nội dung quản lý phát thải khí nhà kính gồm:

a) Xây dựng hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính;

b) Thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội;

c) Quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái;

d) Kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

đ) Hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới;

e) Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ khí nhà kính.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm kê khí nhà kính, xây dựng báo cáo quốc gia về quản lý phát thải khí nhà kính phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 42. Quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

1. Ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

2. Cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 43. Phát triển năng lượng tái tạo

1. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.

2. Khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo.

Điều 44. Sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Điều 45. Thu hồi năng lượng từ chất thải

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Điều 46. Quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

2. Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 47. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên gồm:

a) Phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế – xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng;

b) Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại trong giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh.

2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 48. Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh.

2. Chính phủ quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và cam kết tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương V

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 49. Quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biển và hải đảo phải có nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nguồn phát thải từ đất liền, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo phải chủ động ứng phó sự cố môi trường và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan khác trong ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo.

5. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn lợi từ biển, hải đảo, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, khu di sản tự nhiên và hải đảo phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 50. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dằn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 51. Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo có nguy cơ gây sự cố môi trường phải có kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cảnh báo, thông báo kịp thời về sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.

Chương VI

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC, ĐẤT VÀ KHÔNG KHÍ

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC SÔNG

Điều 52. Quy định chung về bảo vệ môi trường nước sông

1. Bảo vệ môi trường nước sông là một trong những nội dung cơ bản của quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông.

2. Nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông.

3. Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi, đánh giá.

4. Bảo vệ môi trường lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông

1. Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý chất thải đổ vào lưu vực sông.

2. Định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích.

3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.

4. Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích sông xuyên biên giới và chia sẻ thông tin trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

7. Công khai thông tin về môi trường nước và trầm tích của lưu vực sông cho các tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng nước sông.

Điều 54. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh

1. Công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông.

2. Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông.

3. Tổ chức đánh giá sức chịu tải của sông; ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông; công bố thông tin về những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

4. Tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

5. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông

1. Đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông liên tỉnh và xuyên biên giới.

2. Điều tra, đánh giá sức chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải phù hợp với mục tiêu sử dụng nước và công bố thông tin.

3. Ban hành, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước và trầm tích lưu vực sông.

4. Ban hành, hướng dẫn việc đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, hạn ngạch xả nước thải vào sông liên tỉnh, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

6. Tổ chức đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm, mức độ thiệt hại và tổ chức xử lý ô nhiễm lưu vực sông liên tỉnh.

7. Tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC NGUỒN NƯỚC KHÁC

Điều 56. Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch

1. Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.

2. Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.

3. Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

Điều 57. Bảo vệ môi trường hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện

1. Việc xây dựng, quản lý và vận hành hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện phải gắn với bảo vệ môi trường.

2. Không được lấn chiếm diện tích, đổ chất thải rắn, đất, đá vào hồ; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào hồ.

3. Cơ quan quản lý hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm quan trắc môi trường nước hồ định kỳ tối thiểu 03 tháng một lần.

Điều 58. Bảo vệ môi trường nước dưới đất

1. Chỉ được sử dụng các loại hóa chất trong danh mục cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thăm dò, khai thác nước dưới đất.

2. Có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất. Cơ sở khai thác nước dưới đất có trách nhiệm phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác. Các lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác không còn sử dụng phải được trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không để rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và chất thải phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.

4. Kho chứa hóa chất, cơ sở xử lý, khu chôn lấp chất thải nguy hại phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, có biện pháp ngăn cách hóa chất độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất.

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

Điều 59. Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

1. Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.

2. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Điều 60. Quản lý chất lượng môi trường đất

1. Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc phát thải chất thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất.

3. Vùng đất có nguy cơ suy thoái phải được khoanh vùng, theo dõi và giám sát.

4. Vùng đất bị suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất.

Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại cơ sở.

4. Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 4. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Điều 62. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí

1. Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

1. Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.

2. Việc xem xét, phê duyệt dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 65. Bảo vệ môi trường khu kinh tế

1. Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 66. Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Quy hoạch các khu chức năng, các loại hình hoạt động phải phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; có thiết bị đo lưu lượng nước thải;

c) Bố trí bộ phận chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 67. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung

1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

2. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường;

b) Đầu tư hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung;

b) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;

đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.

2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề

1. Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:

a) Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;

b) Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

b) Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có làng nghề được quy định như sau:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;

b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện có làng nghề được quy định như sau:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn;

b) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có làng nghề được quy định như sau:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường;

b) Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn;

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề;

đ) Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.

3. Thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

4. Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Chất thải phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thủy sản;

c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.

5. Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển.

6. Không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

Điều 72. Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế

1. Bệnh viện và cơ sở y tế phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

d) Chất thải y tế phải được xử lý sơ bộ loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy tập trung;

đ) Xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

3. Chủ đầu tư bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4. Người đứng đầu bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định pháp luật liên quan.

Điều 73. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

1. Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Trong thiết kế xây dựng và dự toán của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải tác động xấu đến môi trường phải có hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

3. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Điều 74. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

1. Quy hoạch giao thông phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng.

3. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường;

b) Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.

Điều 75. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa

1. Máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa sau:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu;

d) Máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch;

đ) Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm;

e) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Điều 76. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;

b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm sau:

a) Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

b) Phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu;

c) Phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

d) Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu;

b) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu tại địa bàn.

Điều 77. Bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau:

a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện;

b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải;

c) Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và lễ hội thực hiện các quy định sau:

a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú;

b) Bỏ chất thải đúng nơi quy định;

c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;

d) Không xâm hại cảnh quan di tích, các loài sinh vật tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú.

Điều 78. Bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 79. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm

1. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm phải thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn;

c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật.

3. Thủ trưởng cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VIII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

Điều 80. Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư

1. Bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

4. Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.

5. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

6. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý;

b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;

c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình

1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.

2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.

6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Điều 83. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.

2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải;

c) Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng;

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường;

đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.

Điều 84. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng

1. Khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch;

b) Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư;

c) Không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh phòng dịch.

5. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, chôn cất trong khu nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường.

Chương IX

QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 85. Yêu cầu về quản lý chất thải

1. Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.

2. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất thải.

Điều 86. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải

1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

Điều 87. Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

2. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ.

4. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 88. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

1. Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn.

2. Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.

3. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Điều 89. Trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong quản lý chất thải

1. Bố trí mặt bằng tập kết chất thải trong phạm vi quản lý.

2. Xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 90. Lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Điều 91. Phân loại, thu gom, lưu giữ trước khi xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường.

Điều 92. Vận chuyển chất thải nguy hại

1. Chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại được vận chuyển sang nước khác phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 93. Điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại

1. Địa điểm thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người.

3. Có công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

5. Có nhân sự quản lý được cấp chứng chỉ và nhân sự kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp.

6. Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

7. Có phương án bảo vệ môi trường.

8. Có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động.

9. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Điều 94. Nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải nguy hại và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG

Điều 95. Trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 96. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

Điều 97. Tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường. Trường hợp không có khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 98. Nội dung quản lý chất thải rắn thông thường trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải rắn thông thường và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 4. QUẢN LÝ NƯỚC THẢI

Điều 99. Quy định chung về quản lý nước thải

1. Nước thải phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

Điều 100. Thu gom, xử lý nước thải

1. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải.

2. Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

Điều 101. Hệ thống xử lý nước thải

1. Đối tượng sau phải có hệ thống xử lý nước thải:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

b) Khu, cụm công nghiệp làng nghề;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.

2. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý;

b) Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh;

c) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;

đ) Phải được vận hành thường xuyên.

3. Chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 5. QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT BỤI, KHÍ THẢI, TIẾNG ỒN, ĐỘ RUNG, ÁNH SÁNG, BỨC XẠ

Điều 102. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Điều 103. Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương X

XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG

Mục 1. XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Điều 104. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung và các chất gây ô nhiễm khác vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở mức độ nghiêm trọng.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

3. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

d) Quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.

4. Trách nhiệm tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý;

d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. XỬ LÝ, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM

Điều 105. Quy định chung về khắc phục ô nhiễm môi trường và phân loại khu vực ô nhiễm

1. Khắc phục ô nhiễm môi trường là hoạt động giảm thiểu tác động của ô nhiễm đến môi trường, con người và nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực môi trường bị ô nhiễm.

2. Khu vực môi trường bị ô nhiễm được phân loại theo 03 mức độ gồm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 106. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Việc xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm gồm:

a) Xác định phạm vi, giới hạn của khu vực môi trường bị ô nhiễm;

b) Xác định mức độ ô nhiễm, đánh giá rủi ro;

c) Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;

d) Các giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;

đ) Xác định các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường.

2. Dự án khai thác mỏ, khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi hoạt động và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Xác định khả năng, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm môi trường;

b) Đánh giá rủi ro;

c) Lựa chọn phương án khả thi cải tạo, phục hồi môi trường;

d) Kế hoạch và kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án.

Điều 107. Trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau:

a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

b) Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường;

c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường mà không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau:

a) Quy định tiêu chí phân loại khu vực ô nhiễm môi trường;

b) Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;

c) Điều tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

4. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động nguồn lực để tổ chức khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.

Mục 3. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 108. Phòng ngừa sự cố môi trường

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

a) Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

b) Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường;

c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;

d) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật;

đ) Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương;

b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường;

c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 năm.

Điều 109. Ứng phó sự cố môi trường

1. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố;

b) Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố;

c) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó;

d) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

2. Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

3. Nhân lực, vật tư, phương tiện sử dụng để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 110. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường và hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.

Điều 111. Xác định thiệt hại do sự cố môi trường

1. Nội dung điều tra, xác định thiệt hại do sự cố môi trường gồm:

a) Phạm vi, giới hạn khu vực bị ô nhiễm do sự cố môi trường;

b) Mức độ ô nhiễm;

c) Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;

d) Biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;

đ) Thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.

2. Trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh.

3. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.

Điều 112. Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường;

b) Tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng;

c) Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

2. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ra sự cố môi trường mà không tự thỏa thuận về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

3. Trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

4. Trường hợp sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn liên tỉnh thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương XI

QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Điều 113. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với đất;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ;

e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại.

3. Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.

Điều 114. Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

2. Có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù.

Điều 115. Ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, ký hiệu là QCVN số thứ tự MT: năm ban hành/BTNMT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, ký hiệu là QCĐP số thứ tự MT: năm ban hành/tên viết tắt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 116. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường gồm:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;

b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.

Điều 117. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

2. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Điều 118. Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.

Điều 119. Tiêu chuẩn môi trường

1. Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác.

2. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.

Điều 120. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

4. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chương XII

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 121. Hoạt động quan trắc môi trường

1. Cơ quan, tổ chức về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường xung quanh.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục chịu trách nhiệm quan trắc chất phát thải phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 122. Thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc

1. Môi trường nước gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển.

2. Môi trường không khí gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời.

3. Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

4. Môi trường đất, trầm tích.

5. Phóng xạ.

6. Nước thải, khí thải, chất thải rắn.

7. Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường.

8. Đa dạng sinh học.

Điều 123. Chương trình quan trắc môi trường

1 .Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù.

2. Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn.

3. Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 124. Hệ thống quan trắc môi trường

1. Hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Quan trắc môi trường quốc gia;

b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh;

c) Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;

b) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;

c) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;

d) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.

Điều 125. Trách nhiệm quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 126. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường

1. Tổ chức có đủ kỹ thuật viên về chuyên ngành quan trắc môi trường và trang bị kỹ thuật cần thiết được tham gia hoạt động quan trắc môi trường.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 127. Quản lý số liệu quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

Chương XIII

THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG, CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG, THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Mục 1. THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điều 128. Thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đối với môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích công cộng.

Điều 129. Thu thập và quản lý thông tin môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thu thập và quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thu thập, quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của Bộ, ngành, địa phương và tích hợp với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập hồ sơ môi trường, quản lý thông tin về tác động đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 130. Công bố, cung cấp thông tin môi trường

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan quản lý về môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

3. Bộ, ngành hằng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 131. Công khai thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:

a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;

c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;

d) Các báo cáo về môi trường;

đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.

Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.

2. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

3. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Mục 2. CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG VÀ THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG

Điều 132. Chỉ thị môi trường

1. Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường địa phương trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

Điều 133. Thống kê môi trường

1. Thống kê môi trường là hoạt động điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các chỉ tiêu cơ bản phản ánh bản chất và diễn biến của các vấn đề môi trường theo không gian và thời gian.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường, tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường quốc gia; hướng dẫn công tác thống kê môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê môi trường quốc gia.

3. Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường trong phạm vi quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của ngành, lĩnh vực; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của địa phương; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

Mục 3. BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 134. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm

1. Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

4. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường.

5. Bộ, ngành báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Điều 135. Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường.

2. Quy mô, tính chất và tác động của các nguồn phát thải.

3. Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra.

4. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tình hình xử lý.

5. Nguồn lực về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Điều 136. Nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo kinh tế – xã hội hằng năm

Báo cáo kinh tế – xã hội hằng năm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và công tác bảo vệ môi trường.

Điều 137. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần; hằng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, quyết định lập báo cáo chuyên đề về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.

Điều 138. Nội dung báo cáo hiện trạng môi trường

1. Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội.

2. Các tác động môi trường.

3. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường.

4. Những vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân.

5. Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội.

6. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Dự báo thách thức về môi trường.

8. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Chương XIV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 139. Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc; định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

6. Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Đào tạo nhân lực khoa học và quản lý môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.

9. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

10. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 140. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.

Điều 141. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau:

1. Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về bảo vệ môi trường.

2. Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật theo thẩm quyền.

3. Chủ trì giải quyết hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, thông tin môi trường và báo cáo môi trường; chỉ đạo, tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoạt động xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

8. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện với môi trường; hướng dẫn, chứng nhận sản phẩm, cơ sở thân thiện với môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cải thiện sức khỏe môi trường.

9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

10. Chỉ đạo và hướng dẫn việc lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; chiến lược tổng thể quốc gia về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

11. Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc; truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

12. Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về môi trường; chủ trì hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 142. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm báo cáo Chính phủ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý.

3. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng và dự án, công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thu hút đầu tư và tổ chức triển khai việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

c) Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý;

d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

đ) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông vận tải và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

e) Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động mai táng, hỏa táng; tổ chức việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của bệnh viện, cơ sở y tế và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

g) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

h) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

i) Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý;

k) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

c) Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia;

d) Tổ chức đánh giá và lập báo cáo môi trường. Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

g) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh;

h) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:

a) Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

c) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

d) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

đ) Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;

g) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện;

h) Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã;

i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa;

b) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân;

c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;

d) Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải;

đ) Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn;

e) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

g) Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư;

h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Chương XV

TRÁCH NHIỆM CỦA MẬT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI – NGHỀ NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 144. Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Điều 145. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp

1. Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trách nhiệm sau:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có quyền sau:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 146. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư

1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều này.

Chương XVI

NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 147. Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường

1. Chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:

a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường;

b) Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường và báo cáo môi trường;

d) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phổ biến và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

đ) Các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường khác.

2. Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường gồm chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích.

3. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 148. Phí bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;

b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;

c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 149. Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ;

b) Phí bảo vệ môi trường;

c) Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường;

d) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của mình;

c) Tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.

Điều 150. Phát triển dịch vụ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chếhợp tác công tư trong các lĩnh vực sau:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;

c) Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường;

d) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường;

đ) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;

e) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường;

g) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 151. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

1. Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt;

b) Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu chôn lấp chất thải;

c) Xây dựng trạm quan trắc môi trường;

d) Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng;

đ) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường;

e) Chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 152. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ.

2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu tiên gồm:

a) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải;

b) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường và công nghệ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

c) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;

d) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và công nghệ dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi môi trường;

đ) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với con người.

Điều 153. Phát triển công nghiệp môi trường

Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Điều 154. Truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.

Điều 155. Giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường

1. Chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông phải có nội dung giáo dục về môi trường.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết chương trình giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

Chương XVII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 156. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường

Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.

Điều 157. Bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có trách nhiệm phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường trong nước.

Điều 158. Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nước; nâng cao vị trí, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ môi trường trong khu vực và quốc tế.

2. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

3. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng và khu vực để giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có liên quan.

Chương XVIII

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 159. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 161. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

2. Các bên tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau;

b) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoàihợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 162. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

Chương XIX

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 163. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Điều 164. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường

1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.

2. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:

a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;

b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;

c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 165. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau:

a) Có suy giảm;

b) Suy giảm nghiêm trọng;

c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm:

a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;

b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm;

c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.

3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:

a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại;

b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.

4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;

b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;

d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 166. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.

3. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Điều 167. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ.

Chương XX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đó.

Điều 169. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 170. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng