Những luật để bảo vệ môi trường mới nhất hiện nay

1662

Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Cổng Thông tin Điện tử thành phố trân trọng giới thiệu đến các doanh nghiệp một số nội dung cơ bản của Bộ luật này.

Cụ thể như sau:

1. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

– Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác;

– Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật;

– Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loại thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

– Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường;

– Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.

– Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép;

– Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

– Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường;

– Nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức;

– Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép;

– Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

– Xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên;

– Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường;

– Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người;

– Che giấu hành vi huỷ hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường;

– Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tiêu chuẩn môi trường

Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường.

3. Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường

Mục 1. Đánh giá môi trường chiến lược

Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Điều 14 Luật BVMT 2005 quy định rõ những đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vùng; quy hoạch sử dụng đất; bảo vệ và phát triển rừng; khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh.

Mục 2. Đánh giá tác động môi trường.

Điều 18 Luật BVMT 2005 quy định đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là các dự án sau đây:

– Dự án công trình quan trọng quốc gia;

– Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử- văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

– Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ;

– Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề;

– Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung;

– Dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn;

– Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.

Chủ các dự án trên có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (Điều 19).

Các dự án trên chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (Điều 22). Chủ dự án chỉ được đưa công trình vào sử dụng khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường (Điều 23). Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mục 3. Cam kết bảo vệ môi trường

Điều 24 Luật BVMT 2005 quy định: đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình và những đối tượng không phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải có bản cam kết bảo vệ môi trường. Những đối tượng này chỉ được triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi đã đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

4. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Luật BVMT 2005 cũng quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, bản cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký và tuân thủ tiêu chuẩn môi trường; phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của mình; khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình; thực hiện chế độ báo cáo về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường; nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường.

Các hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường được quy định như sau: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì ngoài việc bị xử lý theo các hình thức quy định nêu trên, còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau: buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; cấm hoạt động.

5. Quản lý chất thải

Mục 1. Quy định chung về quản lý chất thải: quy định về trách nhiệm quản lý chất thải; thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ; tái chế chất thải và trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải.

Mục 2. Quản lý chất thải nguy hại: quy định việc lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép và mã số hoạt động quản lý chất thải nguy hại; phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; vận chuyển chất thải nguy hại; xử lý chất thải nguy hại; cơ sở xử lý chất thải nguy hại; khu chôn lấp chất thải nguy hại và quy hoạch về thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại.

Mục 3. Quản lý chất thải rắn thông thường: quy định phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường; cơ sở tái chế, tiêu huỷ, khu chôn lấp chất thải rắn thông thường và quy hoạch về thu gom, tiêu huỷ, chôn lấp chất thải rắn thông thường.

Mục 4. Quản lý nước thải

Luật BVMT quy định việc thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom nước mưa và nước thải; nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa vào môi trường; nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường (Điều 81). Đồng thời, quy định cụ thể các đối tượng phải có hệ thống xử lý nước thải bao gồm: Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; Khu, cụm công nghiệp làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung (Điều 82).

Mục 5. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ: quy định việc quản lý và kiểm soát bụi, khí thải; quản lý khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ô zôn và việc hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ.

6. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

Mục 1. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường: quy định việc phòng ngừa sự cố môi trường; an toàn sinh học; an toàn hoá chất; an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; ứng phó sự cố môi trường; xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường.

Mục 2. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường: quy định các căn cứ để xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm; khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

7.  Quan trắc và thông tin về môi trường: quy định về quan trắc môi trường, hệ thống quan trắc, quy hoạch hệ thống quan trắc và chương trình quan trắc môi trường; chỉ thị môi trường; báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực; báo cáo môi trường quốc gia; thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường; công bố, cung cấp, công khai thông tin, dữ liệu về môi trường và thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường.

8.  Nguồn lực bảo vệ môi trường: quy định việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường; giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo về môi trường; nguồn tài chính, ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường; thuế, phí bảo vệ môi trường; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên; quỹ bảo vệ môi trường; phát triển dịch vụ bảo vệ môi trường và chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

9. Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường

– Người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì còn phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, công dân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

10. Hiệu lực thi hành:

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, Luật này thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 1993.

 

SHARE